Giấy mỹ thuật Phần 1
Giấy mỹ thuật Phần 1
ĐỊNH NGHĨA VÀ ƯU, NHƯỢC ĐIỂM
Hôm qua mình đã được trải nghiệm bộ catalogue mới nhất của nhà Lan Vi, năm nay có rất nhiều mã giấy mới và màu đẹp. Nhớ lại cách đây chục năm trước khi mới biết giấy mỹ thuật, mình đã phải mất rất nhiều thời gian để có được kiến thức và trải nghiệm, lúc đó rất thích giấy mà không biết sử dụng như thế nào. Mình quyết định viết bài này để cung cấp những kiến thức cơ bản về giấy mỹ thuật để mọi người không ngại mà ứng dụng nhiều hơn trong các dự án thiết kế.
Serie bài về giấy mỹ thuật dự kiến chia làm 3 phần: Phần 1 về Định nghĩa và Ưu nhược điểm của giấy mỹ thuật; Phần 2 về Cách sử dụng giấy mỹ thuật; Phần 3 về Các thuật ngữ liên quan đến giấy mỹ thuật.
1. Giấy mỹ thuật là gì?
Mình sẽ không đưa ra một định nghĩa chính xác, mà đưa ra 3 đặc điểm sau cho các loại giấy mỹ thuật:
- Có thẩm mỹ cao, màu đẹp, hiệu ứng bề mặt đặc biệt (ánh kim, có gân, bóng mịn, óng ánh…): giấy mỹ thuật đúng như tên gọi của nó thường được gợi nhớ do có giá trị thẩm mỹ cao so với giấy thông thường. Khi làm một dự án có yêu cầu thẩm mỹ, chất lượng cao, hãy nhớ đến giấy mỹ thuật.
- Có giá trị cao (gấp 2-4 lần) so với các loại giấy phổ thông (Couche, Fort, Craft, Ivory…): một đặc điểm thứ 2 của giấy mỹ thuật đó là sự đắt đỏ, hãy cân nhắc đầu tư vào giấy mỹ thuật khi bạn muốn chất lượng hơn là số lượng.
- Gắn liền với các Nhà phân phối giấy: Lan Vi, Thuận An, Hoàng Long, Wings, Sơn Dương, Hoatrung…: giấy mỹ thuật sẽ không được bán đơn lẻ mà đi theo các nhà phân phối giấy trên thị trường. Các nhà phân phối này đều cập nhật mẫu giấy mới hàng năm, hãy xin các catalogue của họ thường xuyên để nắm được các loại giấy mới nhất.
2. Ưu điểm của giấy mỹ thuật
- Có bề mặt đặc biệt (ánh kim, có gân, bóng mịn, óng ánh…): đây là ưu điểm lớn nhất của giấy mỹ thuật mà các loại giấy phổ thông không có được. Ở phần 2 mình sẽ nói rõ hơn cách sử dụng giấy mỹ thuật theo bề mặt cho từng loại hình dự án khác nhau.
- Màu đẹp: khi các bạn làm in nhiều, sẽ biết rằng với hạn chế của in ấn offset và kỹ thuật số, không phải màu nào chúng ta thiết kế cũng có thể in được. Giấy mỹ thuật đã được nhuộm sẵn màu nên sẽ rất đẹp, có những màu hiếm và màu được phủ đều trên bề mặt diện tích lớn.
- Màu đồng nhất theo mã giấy: khi in ấn offset và kỹ thuật số, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến màu in (máy in, giấy in, nhiệt độ, độ ẩm…) khiến cho 2 lần in khác nhau rất khó để giống hệt nhau. Giấy mỹ thuật đã được quy chuẩn màu chính xác theo mã giấy, chỉ cần chọn theo đúng mã giấy là có thể đồng bộ màu năm này qua năm khác.
- Không bị phai màu theo thời gian: Khi in ấn màu trên giấy, qua thời gian màu sẽ bị phai và không còn giữ được như ban đầu. Giấy mỹ thuật thì sẽ đảm bảo được điều này, màu sẽ bền vững theo thời gian.
3. Nhược điểm của giấy mỹ thuật
- Đắt: đây là rào cản đầu tiên khi bạn muốn sử dụng giấy mỹ thuật, vì giá giấy mỹ thuật sẽ đắt gấp từ 2-4 lần so với giấy phổ thông, vì vậy không phải dự án nào bạn cũng nên sử dụng giấy mỹ thuật.
- Designer và Nhà in có kinh nghiệm xử lí: giấy mỹ thuật giống như một cô gái đẹp nhưng khó tính, khó chiều, bạn cần phải có kinh nghiệm nhất định để sử dụng nó, nhất là cho các dự án bao bì, tuy nhiên đừng ngại vì khi bạn đã quen rồi thì sử dụng giấy mỹ thuật rất sướng.
- Bảo quản cẩn thận: Các sản phẩm sử dụng giấy mỹ thuật cần được bảo quản kĩ càng do giấy mỹ thuật thường không được cán bóng, mờ như các loại giấy phổ thông nên sẽ dễ ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài như bụi, nước, vết bẩn, tác động vật lý. Đây cũng không phải là nhược điểm hoàn toàn do có những loại giấy mỹ thuật chuyên dùng để bồi bao bì sẽ rất dai và bền.
- Định lượng được chia sẵn không quá đa dạng: các loại giấy mỹ thuật phổ biến thường có 3 loại định lượng trở lên để các bạn lựa chọn theo từng mục đích in ấn. Tuy nhiên có những mã giấy có rất ít, nên trong trường hợp bạn trót thích một mã giấy nhưng không có định lượng mà mình mong muốn thì phải chuyển sang loại khác.
- Có nguy cơ hết hàng: cái này không hẳn là nhược điểm mà là đặc điểm thì đúng hơn. Giấy mỹ thuật được các nhà phân phối nhập về Việt Nam nên sẽ có khả năng loại giấy bạn yêu thích dùng ở những năm trước năm nay sẽ không còn nữa. Thời gian cao điểm (Trung thu, Tết) cũng là dịp giấy mỹ thuật hay hết hàng nên hãy chuẩn bị và mua trước.